PHẦN 3: KHÁM PHÁ BẢN THÂN
TÔI LÀ AI?
Trong bài trước, chúng ta đã biết được năng lượng và sức mạnh của suy nghĩ. Vậy ai là người tạo ra những suy nghĩ và quy trình bên trong (thế giới nội tâm) diễn ra như thế nào. Chúng ta cùng nhau từng bước khám phá bản chất tự nhiên của mình là gì và tôi thực sự là ai qua các bước tiếp sau.
Ví dụ 1: Hãy hình dung con cá đang bơi trong hồ nước, người đánh cá bắt được con cá và mang lên bờ. Theo bạn lúc này con cá muốn gì?
Con cá chắc chắn muốn được quay trở lại hồ nước bởi nước là môi trường sống tự nhiên của con cá.
Tương tự, khi bạn giận dữ, bạn muốn giữ nó hay bạn muốn thoát khỏi nó? Khi bạn đau khổ bạn muốn giữ nó bên mình hay tìm cách thoát khỏi nó? Bạn muốn gì? Khi bạn bình an, hạnh phúc – bạn có muốn giữ nó bên mình không? Khi bạn đang sống trong tình yêu thương tràn ngập thì bạn muốn ở trong đó để tận hưởng hay bạn muốn thoát ra khỏi nó?
Vậy cái gì là tự nhiên đối với con người?
Tích cực là bản tính tự nhiên của con người và chúng ta một cách tự động muốn thoát ra khỏi những gì không thuộc tự nhiên của chúng ta. Những gì tôi không muốn là nó không thuộc về tôi.
Vạn vật cũng như thế. Khi ở trong trạng thái tự nhiên, nó đều trong trật tự và ổn định, thoải mái và hài hòa. Khi nó không còn ở trong tự nhiên thì nỗ lực của nó là trở về trạng thái tự nhiên hay trạng thái cân bằng, trạng thái hài hòa. Điều này chúng ta tự thí nghiệm, chiêm nghiệm, và trải nghiệm.
Trong thiền chúng tôi tin rằng bản chất thật của mình vốn là tốt đẹp. Bạn thích những người tốt hay các bạn thích ở bên cạnh những người xấu? Bạn cứ tự chiêm nghiệm. Bạn thích ở bên những người cởi mở, đàng hoàng, trung thực,…bạn muốn gần những người đó không? Bạn thích được làm việc cùng những người đó không hay bạn thích ở bên cạnh những người keo kiệt, nóng nảy, thiếu trung thực,…
Trong thiền chúng ta chỉ có suy nghĩ thanh khiết (những suy nghĩ tích cực và mang lại lợi ích cho tất cả). Khi bạn tích lũy được nhiều suy nghĩ thanh khiết, lúc đó, chúng ta sẽ có được những suy nghĩ hướng thượng tuôn ra một cách tự nhiên.
Ví dụ, tôi nói đến trái sầu giêng, bạn thấy gì khi tôi nói đến trái sầu giêng? (thấy hình ảnh, mùi thơm, vị béo, ngọt, thấy thèm ăn…). Đó là tất cả những gì đang xuất hiện trên màn hình tâm trí bạn trong khi bạn đang ngồi mà chẳng có trái sầu giêng nào.
Tâm trí là nơi chứa hình ảnh, tạo ra hình ảnh, có suy nghĩ, có những ý tưởng, có cảm giác, có ham muốn, …đây là bộ phận sáng tạo bên trong mình. Tất cả mọi sáng tạo đều xuất phát từ tâm trí.
Tâm trí như mảnh đất màu mỡ, bạn gieo gì là nó phát triển bởi tâm trí không có từ “không” mà nó chỉ có từ “có”. Tất cả cái gì đặt vào đều phát triển. Nếu bạn gieo một hạt giống là suy nghĩ tích cực, nó sẽ phát triển thành một cây tích cực và ngược lại. Do vậy, cái gì mình không muốn thì đừng gieo bởi gieo vào thì nó chỉ mọc thôi.
Trong thiền định chúng ta chỉ dùng từ khẳng định. Không nói “tôi không muốn bất an” mà hãy nói là “tôi là bình an”. Bản chất thật tự nhiên của tôi là bình an, là tình yêu thương, là hạnh phúc,….
Các bạn hãy gieo hạt giống suy nghĩ một cách cẩn trọng. Cái gì tôi không muốn thì đừng nghĩ tới, cái gì tôi muốn thì hãy đưa nó lên. Bạn nghĩ về cái gì thì cái đó sẽ phát triển. Đây là quy luật. Đây là bộ phận sáng tạo của tâm trí. Bạn phải hiểu và sử dụng suy nghĩ một cách chính xác.
Cái mà chúng ta gọi là đời sống nằm ở chính trên màn hình tâm trí. Tôi hạnh phúc, tôi đau khổ, tôi mạnh mẽ, tôi …đều ở trên màn hình tâm trí. Cái mà chúng ta gọi là cuộc đời, bạn vẽ nó màu gì thì nó sẽ là màu đó. Bạn vẽ bức tranh nào trong tâm trí, bạn sẽ cảm nhận nó và trải nghiệm nó.
Bộ phận để xem xét các suy nghĩ đó và để ra quyết định hành động hay không hành động là bộ phận của trí tuệ. Đây chính là con mắt thứ ba, con mắt trí tuệ. Trí tuệ nhìn vào tâm trí, biết những gì đang diễn ra và quyết định cho nó hành động hay không.
Bộ phận trí tuệ là bộ phận của sự hiểu biết hay gọi là con mắt thứ ba. Con mắt này càng mở ra bao nhiêu thì chúng ta càng hạnh phúc bấy nhiêu. Mình biết người nào đó đáng tin cậy bằng con mắt thường hay con mắt trí tuệ? Mình biết bằng con mắt trí tuệ. Chúng ta có thể cảm ở chiều sâu bằng con mắt trí tuệ - con mắt của sự hiểu biết. Vì hiểu biết mà mới có khả năng ghi nhớ và khả năng phân định, thật – giả, đúng – sai, tốt – xấu,…con mắt này càng mạnh mẽ bao nhiêu, càng sắc xảo bao nhiêu, càng nhìn rõ và thấu đáo mọi điều.
Còn một nguồn năng lượng mạnh mẽ nữa, nằm ở sâu bên trong, sâu thật sâu và luôn chính xác như là la bàn, luôn biết cái gì là đúng, cái gì là sai, nó luôn chỉ thị cho chúng ta – đó là lương tâm. Chúng ta có biết cách cũng như lắng nghe nó không?
Rất nhiều người trong chúng ta bây giờ không có khả năng lắng nghe tiếng nói này hoặc nếu có thì nó rất yếu và chúng ta không nắm bắt chính xác được. Điều này gây ra rất nhiều nguy hiểm và thiệt hại cho bản thân bởi lương tâm luôn biết đúng sai, nếu nó mạnh mẽ.
Nhiều khi chúng ta đã không lắng nghe tiếng nói này dẫn đến những tiếc nuối. Đôi khi lương tâm nhắc nhở mình làm điều này nhưng chúng ta lại đi làm điều khác. Mỗi ngày chúng ta có cảm thấy lương tâm nhắc nhở mình không? Có khi nào bạn đã không lắng nghe nó để rồi hối tiếc?
Trí tuệ có khả năng phân định, luôn nhận biết. Trí tuệ ngay tức thì phân định được đây là điều nên làm hay không nên làm. Nó có khả năng phân định chính xác trong 1 giây. Quyết định nhanh chóng làm hay không làm, nói hay không nói, …
Trong quá trình thiền thì tâm trí cần phải được kiểm soát, không để nó chạy như con ngựa hoang mà trí tuệ phải kiểm soát (luôn dòm tâm trí và phân định xem suy nghĩ nào được phép ra hành động và suy nghĩ nào không được phép) để đưa mình đến nơi mình muốn ngay tức thì trong một giây. Không gì nhanh bằng tâm trí. Ngay sau một suy nghĩ, bạn thấy và cảm nhận ngay tức thì. Tốc độ của nó nhanh hơn cả tốc độ của ánh sáng. Ngay khi bạn nghĩ mình đang ngồi trên bờ biển là bạn cảm nhận ngay. Nhưng nếu bạn không quy phục nó, nó sẽ đưa bạn đến rất nhiều nơi như buồn, giận, tức tối, ganh ghét đố kị, ….nó chạy đến bất kì chỗ nào.
Trong thiền định thì trí tuệ phải được làm mạnh, có tầm nhìn xa, trông rộng. Có thể nhìn thấy mọi hoạt cảnh. Càng nỗ lực thực hành, tâm trí càng lắng xuống trong sự tĩnh tại, trí tuệ càng sáng tỏ và chúng ta có thể nhận biết và quyết định chính xác.
Còn một bộ phận vô cùng quan trọng khác. Đôi khi trí tuệ biết không nên làm điều này, điều kia nhưng một cách vô thức chúng ta vẫn làm hoặc không làm để rồi hối hận. Vậy cái gì đã khiến chúng ta làm một cách vô thức như vậy?
1