PHẦN 3: KHÁM PHÁ BẢN THÂN
TÔI LÀ AI?
(TIẾP THEO)
Đó chính là tâm ấn. Tâm ấn là bộ phận ghi lại tất cả mọi hành động cũng như trải nghiệm trong quá khứ. Nó ghi lại các hình ảnh (giống như lúc nãy các bạn thấy hình ảnh trái sầu giêng là từ đâu?), nó từ trong kí ức. Nó đã được ghi lại một cách tự động, bởi những hành động được ghi trong trong quá khứ, vì vậy, ngay khi nhắc đến là bạn thấy hình ảnh, mùi vị,…xuất hiện. Nhưng nếu tôi nói với một người chưa từng ăn trái sầu giêng thì hình ảnh có xuất hiện lên không? Mùi vị có hiện lên không? Không! Vì không có kí ức bên trong.
Tất cả mọi trải nghiệm của chúng ta đều được ghi lại một cách tự động. Bất kể hành động nào, dù chỉ trong suy nghĩ thì đều được ghi lại. Tất cả các trải nghiệm của chúng ta đều được ghi lại dưới dạng hình ảnh, mùi vị, cảm nhận,…Nó được ghi lại thành những thói quen. Các bạn có những thói quen không?
Thói quen là gì?
Thói quen là tất cả những thứ đã được lưu trữ ở bên trong tâm ấn của mình. Do chúng ta đã thực hiện hành động lặp đi lặp lại nhiều lần thì trở thành thói quen. Khi đã trở thành thói quen, chúng xuất hiện lên màn hình tâm trí một cách tự nhiên mà trí tuệ không còn hoạt động nữa, và tự động đưa ra hành động.
Ví dụ, lần đầu tiên bạn tập chạy xe, bạn phải chú ý suy nghĩ xem đâu là tay ga, đâu là chân phanh, đâu là đèn rọi,…và bạn phải gắng để nhớ và làm cho đúng. Đến lần thứ 3, lần thứ 4,…mỗi lần bạn lái, bạn lại ghi sâu hơn và dần trở nên quen một cách tự động. Khi ngồi lên xe, bạn chỉ đề máy và chạy. Lúc này mọi động tác đã được ghi rất sâu trong tâm ấn và trí tuệ không cần phải chú ý phân định nữa mà mọi thứ đã trở nên tự động.
Do vậy, đôi khi trí tuệ mách bảo chúng ta nên làm hoặc không nên làm một điều gì đó nhưng chúng ta lại không lắng nghe được bởi chính thói quen đã khiến chúng ta không lắng nghe được chính xác sự mách bảo của trí tuệ.
Khi đã thành thói quen rồi thì trí tuệ không hoạt động, bị bỏ ra bên ngoài. Trí tuệ không tham gia vào hoạt động đó nữa. Trong khi trí tuệ là hiểu biết. Nếu trí tuệ không tham gia vào các hoạt động của con người nữa thì đó là sự suy đồi, vô minh.
Không phải tất cả các thói quen đều tệ. Rất nhiều thói quen cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta có những thói quen không cần thiết, phải vậy không?
Hãy ngồi trong tĩnh lặng kiểm tra bản thân xem mình có những thói quen không cần thiết nào? Hãy tạo ra một thói quen tốt đẹp hơn thay thế cho nó. Ví dụ, tôi thường đi ngủ trễ, bây giờ thì sao? Thói quen suy nghĩ tiêu cực thay bằng suy nghĩ tích cực.
Tâm ấn là bộ phận lưu trữ và ghi lại tất cả mọi hoạt động.
Tâm ấn bao gồm cả tiềm thức (tàng thức) và vô thức. Tuy nhiên, trong thiền, chúng ta dùng từ là tâm ấn. Những cái này tập hợp lại gọi là nhân cách hay tính cách (những thứ được biểu hiện ra bên ngoài). Mình nói người này thế này, người kia thế kia là dựa vào những đặc điểm nổi trội của người đó. Như người này nóng tính, người kia điềm tĩnh,…dựa vào những tâm ấn nổi trội.
Trong cuốn SỨ MỆNH YÊU THƯƠNG của bác sỹ Roger Cole ông có kể câu chuyện, một bé nam và một bé nữ chơi với nhau. Sau khi chơi ra về, hai bà mẹ bảo con chào tạm biệt nhau. Ở Châu Âu, tạm biệt nhau thường ôm nhau. Bé gái tiến lên rất trong sáng ôm bé trai và cậu bé trai xô bé gái ngã xuống. Mặc dù bé gái không đau nhưng cảm thấy bất ngờ, tổn thương và sợ. Bà mẹ an ủi và mẹ bé trai bảo con đến làm hòa với bạn đi. Lúc này bé trai tiến lên để làm hòa với bé gái. Bé gái sẽ làm gì? Nó sẽ lùi lại và giấu hai tay ra đằng sau. Có cái gì trong tâm hồn nó đã thay đổi? Đã có một dấu vết ghi bên trong nó, một vết đen khiến cho sự ngây thơ, trong sáng đã bị mất đi một chút.
Chúng ta trong cuộc đời có bị xô đẩy nhiều không? Dẫu chỉ một vết tổn thương nhỏ thôi nhưng nếu nó cứ lặp đi lặp lại, con người trở nên e dè, dè chừng nhau. Bây giờ con người có sống với nhau như vậy không? Có vô tư, có tự nhiên, có thoải mái nữa không.
Bạn để ý những gì đã ghi bên trong mình? Những dấu vết nào?
Tiềm thức có tất cả những tiềm năng. Chúng ta phải học cách sử dụng chúng.
Trong ba bộ phận tâm trí, trí tuệ, tâm ấn thì bộ phận trí tuệ là bộ phận là quan trọng nhất. Đây là bộ phận điều khiển còn tâm trí giống như tấm màn hình tivi. Hoặc suy nghĩ được tích trong kho lưu trữ hoặc từ các giác quan bên ngoài làm kích hoạt lên suy nghĩ.
2