PHẦN 6: ĐIỀU GÌ LẤY MẤT ĐI
KHO BÁU CỦA BẠN?
(TIẾP TRANG 2)
SỰ GẮN KẾT bắt nguồn từ sợ hãi. Gắn kết với người nào đó, gắn kết vào đồ vật để cảm thấy an toàn, gắn kết với cộng đồng, gắn kết với tên tuổi, địa vị,… Trên thực tế càng gắn kết, càng có nhiều nỗi sợ. Khi bạn gắn kết thì suy nghĩ của bạn là gì?
Suy nghĩ của bạn là “của tôi, của tôi, và của tôi”. Có những người suốt ngày nói “của tôi”.
Ví dụ, bạn yêu một đội bóng nào đó, khi đội bóng đó bị thua hay có oan ức trong thi đấu, trạng thái của bạn ra sao? Bạn buồn, bạn giận,…nhưng nếu bạn không không gắn kết với đội bóng đó (nghĩa là không còn ý thức đội bóng của tôi), chỉ đơn giản là xem cuộc chơi thì bạn có thấy gì không? Bạn sẽ rất bình thản, chỉ quan sát mọi điều diễn ra và thưởng thức trận đấu.
Khi có gắn kết thì toàn bộ vẻ đẹp, sức mạnh, sự thông thái,…trong linh hồn đều bị mất. Bạn không thể quan sát hay thưởng thức và cũng không thể bộc lộ được vẻ đẹp của mình.
Khi người thân của tôi có vấn đề, bạn sẽ như thế nào? Nếu tôi gắn kết tôi sẽ trở nên lo lắng, sợ hãi. Tôi vẫn có tình yêu thương, trách nhiệm với họ nhưng tôi phải ổn định bản thân, tôi mới có thể điềm tĩnh và giúp đỡ họ một cách chính xác.
Một ngày có hàng ngàn người chết trên thế giới, hàng triệu đứa trẻ đói ăn,…bạn có đau đớn không? Mỗi lần đổ thức ăn dư thừa đi, bạn có nghĩ rằng còn biết bao người đang cần miếng ăn đó?
Bất kể khi nào có đau đớn nghĩa là có gắn kết. Gắn kết từ thô đến tinh tế như: gia đình của tôi, nhà của tôi, xe của tôi, ý kiến của tôi, quan điểm của tôi, niềm tin của tôi,…nếu ai đó làm khác đi, khác với ý kiến của tôi, khác với kiểu mà tôi muốn thì sao? Rất nhiều gắn kết tinh tế dẫn đến rất nhiều loại đau khổ khác nhau.
Hay bạn là người nấu ăn giỏi. Nếu bạn nấu một món nào đó cho người thân. Bạn đem hết cả tình yêu thương vào nấu món ăn đó. Rồi kì vọng và mong đợi họ sẽ tận hưởng thức ăn bạn nấu trong hạnh phúc. Tuy nhiên, nếu họ không hài lòng với món bạn nấu, thậm chí chê. Bạn thấy sao? Cảm giác của bạn sẽ như thế nào?
Tất cả mọi loại đau đớn đều do gắn kết và kì vọng. Do vậy, nếu thấy đau thì hãy kiểm tra xem bạn gắn kết với cái gì. Nếu bạn cho rằng mình là người tử tế nhưng có ai đó nghi ngờ bạn là người gian lận thì bạn cảm thấy thế nào? Bạn bức xúc hoặc cảm thấy đau. Đó là bởi bạn gắn kết với hình ảnh tử tế đó bên trong mình.
Toàn bộ đau khổ là do gắn kết. Càng đau khổ, càng muốn chiếm đoạt nhiều hơn nữa để cảm thấy an toàn. Bởi cứ bám chặt với mọi thứ “của tôi” mà từ đó, lòng tham xuất hiện.
KHI THAM LAM người ta thường chỉ muốn nhận – “thêm nữa, nhiều hơn nữa”. Càng trống rỗng, con người càng muốn chiếm đoạt nhiều. Càng chiếm đoạt nhiều thì càng có nhiều nỗi sợ. Thậm chí, người ta có đủ mọi thứ, vẫn trống rỗng và chất chứa nhiều nỗi sợ.
Lòng tham giống như bạn chạy theo cái bóng của mình. Nó luôn ở trước mặt và ta chẳng bao giờ tóm được.
Lòng tham khiến con người không thể hài lòng với những gì mình có. Vì vậy, họ không tận hưởng được cuộc sống này.
Nếu ai đó cản trở ước muốn của tôi thì tôi trở nên tức giận. Đương nhiên, nếu tôi đạt được thì tôi sẽ hạnh phúc. Nếu ai đó làm theo đúng ý của tôi, tôi sẽ hạnh phúc. Ai đó phải tôn trọng tôi, tôi mới hạnh phúc,…Tuy nhiên, hạnh phúc ấy dựa vào điều kiện bên ngoài vốn luôn thay đổi. Cho nên, nếu có thì hạnh phúc đó cũng chỉ tạm thời và ngắn ngủi. Ngược lại, nếu không đạt được như ý muốn, như những gì kì vọng, thì họ trở nên tức giận.
VỚI NGƯỜI TỨC GIẬN ngôn từ của họ là “phải, phải”. Phải thế này, phải thế kia,…mọi thứ phải ở trong kiểm soát cũng như sự kì vọng của tôi. Giống như cả thế giới mắc nợ tôi vậy. Việc này phải thế này, người này phải thế kia, chính quyền phải thế này, thế kia, ,…tất cả phải theo ý tôi, thì tôi mới hạnh phúc, tôi mới bình an. Đây là một loại ảo tưởng.
Thực tế, cuộc đời hấp dẫn bởi nó không theo ý bạn. Nếu trận bóng đá diễn ra theo ý bạn thì bạn có đi xem không?
Giận dữ từ thô đến tinh tế. Kiểm tra xem dòng dõi của nó trong bạn có nhiều không. Từ chỗ nói ra, đánh lộn đến chỗ tinh tế là tôi không hợp tác. Bên ngoài rất ngọt ngào nhã nhặn nhưng không hợp tác.
Đây là những điều cản trở linh hồn bộc lộ được những phẩm chất tốt đẹp của mình. Khi tham lam chiếm đoạt, kì vọng thì con người dẫn đến nhiều dục vọng.
NGƯỜI CÓ DỤC VỌNG thì nói: nếu muốn hạnh phúc thì mọi ham muốn, dục vọng phải được thỏa mãn. Tuy nhiên, một nhu cầu được đáp ứng thì 10 nhu cầu khác sẽ xuất hiện. Ham muốn luôn đòi hỏi. Vì vậy, không thể nào làm thỏa mãn ham muốn được. Do vậy, cả cuộc đời chúng ta cứ chạy đua theo những nhu cầu.
Có một rồi lại muốn có hai, ba,…Có ai hiện nay chỉ có một đôi giày không? Thậm chí, thấy ai đó có cái váy đẹp hay có cái gì đó hay hay là khởi lên ham muốn được sở hữu giống vậy. Cái điện thoại của bạn trở nên cũ khi nào? Nó trở nên cũ khi người bạn của bạn có điện thoại mới.
Đó chỉ là những ảo tưởng, trong khi giá trị tâm hồn bị bỏ quên. Khi bạn ý thức ở bên ngoài, bạn nhận dạng sai như ego, tham lam, gắn kết, tức giận, dục vọng làm che khuất đi giá trị, phẩm hạnh trong linh hồn. Ý thức về những nhân dạng sai này là nguồn gốc của tất cả mọi loại đau khổ.
Bạn hãy tự kiểm tra xem tất cả những tổn thương, đau đớn đến từ đâu và ai là người gây ra cho bạn? Thực tế, chính là những thói xấu bên trong như: ego, gắn kết, tham lam, tức giận, và dục vọng.
Chúng ta có thói quen chỉ ra bên ngoài rằng tại người này, tại thế kia nhưng thực tế, chính chúng ta mới tạo ra chúng và chính chúng ta phải chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình. Có một số người nói rằng tôi ghét, tôi giận người đó đến mức sống để bụng, chết mang theo. Làm vậy bạn có phải là người thông thái không? Tức thì bạn mệt hay người kia mệt? Bạn giận thì bạn mệt, cơ thể bạn bệnh hay người kia? Bạn ức không ăn không ngủ được thì bạn chịu hay người kia chịu?
Cơ thể này chỉ là cỗ xe của linh hồn. Các giác quan là công cụ để linh hồn thực hiện phần vai của mình. Nhưng giờ nó lại điều khiển linh hồn, linh hồn lệ thuộc vào các giác quan. Con người ngày nay làm sống chết chỉ để thỏa mãn các giác quan của mình. Trong khi nhu cầu đích thực của linh hồn hoàn toàn bị bỏ qua.
Con người ngày nay không thể có hạnh phúc mà chỉ là sự kích thích các giác quan. Ví dụ, ăn gì đó ngon ngon, thì gọi đó là hạnh phúc. Xem gì thấy đẹp, thì yêu thích,…tất cả chỉ là sự kích thích các giác quan chứ không phải hạnh phúc thật. Ham muốn quá mức đến nỗi biến mình trở thành nô lệ của các giác quan.
Chỉ khi bạn nhận thức rõ về mình, về phẩm hạnh và giá trị bản thân, bạn mới biết cách yêu và tôn trọng bản thân thực sự, bộc lộ được vẻ đẹp thực sự trong linh hồn và không lệ thuộc bên ngoài.
Không phải ai cư xử với bạn theo cách bạn muốn bạn mới ổn, ai đó phải nói với bạn những lời nói như thế này, thế kia bạn mới thấy ổn, ai đó phải nhìn bạn theo cách bạn muốn bạn mới ổn,…tất cả những thứ này chính là dấu hiệu cho thấy bạn thiếu lòng quý trọng bản thân. Bạn đã nhìn nhận bản thân dựa vào ánh nhìn của người khác, lời nói của người khác,…bạn đã mất nhận thức cũng như giá trị của bản thân, mất quyền làm chủ chính mình. Bạn đã trao quyền làm chủ bản thân cho người khác điều khiển.
Khi bạn nhận thức được giá trị bản thân thì những thứ bên ngoài không thể tác động. Bạn biết quý trọng mình cho dù người khác nhìn bạn như thế nào, cho dù người khác nói gì về bạn. Bạn hiểu giá trị của bạn không nằm ở đó. Bạn mới chính là người quyết định nên giá trị cho chính mình.
Hạnh phúc là trạng thái bên trong - không lệ thuộc vào những thứ bên ngoài. Đây chính là trạng thái tỉnh thức của linh hồn. Trong bất cứ tình huống nào vẫn không đánh mất đi chính mình, không để bên ngoài, người khác điều khiển.
Tôi chỉ chấp nhận những suy nghĩ về chính mình, về những lựa chọn trong hành động. Bất cứ suy nghĩ yếu đuối nào xuất hiện, trí tuệ phát hiện và cho nó ra đi. Chủ động tạo ra một suy nghĩ về “sự thật”, về giá trị tốt đẹp của bản thân. Chấp nhận và cảm nhận ở bên trong. Rồi bạn sẽ trở thành những gì bạn nghĩ.
Đôi khi, bạn trở thành người quan sát bản thân xem hôm nay bạn như thế nào. Có những lúc thấy những nỗi ghen tuông, đố kị, những nỗi sợ hãi, những ham muốn,…xuất hiện nhưng tách rời và quan sát chúng, chào tạm biệt chúng, nói với chúng rằng giờ tôi đã biết mình là ai và chào tạm biệt chúng.
Với sự tỉnh thức rằng tôi chính là người tạo ra giá trị của chính mình. Bản chất tự nhiên của linh hồn vốn tốt đẹp và thông thái.
Hành trình này chúng ta dùng trí tuệ chủ động tạo ra những suy nghĩ tích cực, chủ động tạo ra giá trị đích thực và lấy lại quyền làm chủ của chính mình.